Cùng với những thành quả sáng tạo và đổi mới của nhân loại, Sở hữu trí tuệ tồn tại ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Mọi sản phẩm hay dịch vụ mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày đều là kết quả của một chuỗi sáng tạo, dù là lớn hoặc nhỏ, như việc thay đổi kiểu dáng hoặc việc cải tiến kỹ thuật làm cho sản phẩm có hình dáng hoặc chức năng giống như ngày nay.
Hãy lấy một sản phẩm đơn giản. Cụ thể, chiếc bút bi. Sáng chế nổi tiếng của Ladislao Biro về bút bi đã từng là một bước đột phá lớn. Tuy nhiên, cũng giống như ông, rất nhiều người đã tiến hành cải tiến chiếc bút bi này và kiểu dáng của nó và bảo hộ pháp lý cho những cải tiến đó thông qua việc có được các quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu trên chiếc bút cũng là tài sản trí tuệ, có tác dụng giúp nhà sản xuất tiếp thị sản phẩm và xây dựng nhóm khách hàng trung thành với sản phẩm này.
Và điều tương tự hẳn cũng xảy ra đối với hầu hết các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường. Ví dụ, chiếc đầu đĩa CD. Việc bảo hộ độc quyền sáng chế được thực hiện đối với nhiều bộ phận kỹ thuật của chiếc đầu đĩa. Kiểu dáng của nó cũng được bảo hộ bởi 3 các quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Tên của chiếc đầu đĩa được bảo hộ bởi nhãn hiệu và các bản nhạc do chiếc đầu đĩa CD phát ra cũng đã hoặc sẽ được bảo hộ bởi quyền tác giả.
Vậy, sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bạn như thế nào?
Bất kể doanh nghiệp của bạn sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ gì thì chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn cũng đang tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, bạn nên xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này. Nếu bạn đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bạn phải xem xét việc mua chúng hoặc nhận được quyền sử dụng các quyền đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (hay còn gọi là hợp đồng li-xăng) để tránh những tranh chấp hoặc kiện tụng tốn kém sau này.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có tên thương mại hoặc sở hữu một hoặc nhiều nhãn hiệu và nên cân nhắc việc bảo hộ những đối tượng này. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những thông tin kinh doanh bí mật có giá trị, ví dụ, đó có thể là danh sách khách hàng, các chiến lược bán hàng mà doanh nghiệp muốn bảo mật. Nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra các kiểu dáng có tính sáng tạo nguyên gốc. Nhiều doanh nghiệp cũng soạn thảo hoặc công bố những ấn phẩm, tài liệu quảng cáo hoặc bán lẻ các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Một số doanh nghiệp khác có thể có những sáng tạo hoặc cải tiến kỹ thuật đối với sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong tất cả các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp của bạn cần xem xét cách thức tốt nhất để sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. Cần nhớ rằng quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp của bạn từ mọi khía cạnh của việc phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh: từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính đến việc xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua các hợp đồng li-xăng hoặc nhượng quyền kinh doanh (hay còn gọi là “franchising”).
Để hiểu được tất cả những vấn đề này và những vấn đề liên quan khác sẽ diễn ra như thế nào, xin hãy theo dõi các nội dung chúng tôi sẽ gửi tới các bạn trong bài viết tiếp theo, khám phá thế giới sở hữu trí tuệ và những cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể mang lại cho doanh nghiệp của bạn.