Hãy giải thích một chút về việc kiểu dáng công nghiệp cũng có thể được bảo hộ hoặc được sử dụng làm nhãn hiệu. Nói cách khác là có thể bảo hộ một kiểu dáng làm cả nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp hay không? Bạn có thể nhớ rằng nhãn hiệu là một dấu hiệu có tính phân biệt dùng để phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp
này với sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Nếu hình dạng, kiểu dáng và bao bì của sản phẩm nhất định mang chức năng phân biệt của sản phẩm có liên quan, thì ở một số quốc gia, kiểu dáng đó có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu ba chiều hoặc bao bì thương mại theo pháp luật về nhãn hiệu.
Các hình dáng độc đáo của chai Coca-Cola và hình dạng tam giác đặc biệt của thanh sôcôla Toblerone là ví dụ điển hình về nhãn hiệu ba chiều hoặc bao bì thương mại. Hình dáng của chai Coca-Cola ban đầu là một kiểu dáng công nghiệp và sau đó nó đã được đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước. Hiếm khi một sản phẩm cùng được bảo hộ bởi cả quyền kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu ngay tại ngày đưa sản phẩm đó ra thị trường hoặc ở giai đoạn đầu trong vòng đời của nó. Khi kiểu dáng công nghiệp đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định thì nó có thể đủ điều kiện để được đăng ký làm nhãn hiệu. Thế nên, chỉ lúc đó đơn đăng ký bảo hộ một kiểu dáng dưới dạng nhãn hiệu mới được nộp. Kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bảo hộ tối đa từ 10 đến 25 năm, tùy thuộc vào từng nước; và đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn mãi mãi, theo đó, sau một thời gian đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ hết hiệu lực và đăng ký nhãn hiệu tiếp tục có hiệu lực vô thời hạn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp am hiểu về sở hữu trí tuệ đã thực hiện các biện pháp để sử dụng kiểu dáng mới hoặc nguyên gốc được chấp nhận rộng rãi dưới dạng nhãn hiệu trong quá tình xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị của họ để tạo thuận lợi cho việc đăng ký kiểu dáng làm nhãn hiệu. Vì vậy, một lý do nữa để tiến hành đăng ký kiểu dáng mới hoặc nguyên gốc làm kiểu dáng công nghiệp là để bảo hộ nó trong thời hạn quy định, đồng thời trong quá trình đó, kiểu dáng sẽ tạo được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của việc đăng ký làm nhãn hiệu.
Kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là hai loại quyền sở hữu trí tuệ riêng biệt. Mỗi đối tượng có khả năng tạo ra những lợi thế thương mại đáng kể cho chủ sở hữu đối tượng đó. Cả hai loại quyền này có thể đồng thời được cấp cho một hình dạng nhất định nếu hình dạng đó đáp ứng các điều kiện về pháp lý để bảo hộ theo pháp luật có liên quan. Thật thú vị khi thấy rằng, ở nhiều nước, các biểu tượng trên màn hình điện tử hoặc màn hình máy tính có thể đồng thời được bảo hộ làm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Ví dụ, Sun Microsystems đã đăng ký biểu tượng tách cà phê cho sản phẩm phần mềm Java của mình như là một nhãn hiệu và họ cũng đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho hình dáng của ly cà phê kết hợp với cụm từ "Java Workshop". Việc đăng ký này nhằm tận dụng sự bảo hộ mạnh hơn dành cho đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhằm bổ sung cho sự bảo hộ yếu hơn nhưng dài hơn của việc bảo hộ đối với đăng ký nhãn hiệu của họ.
Để hiểu được tất cả những vấn đề này và những vấn đề liên quan khác sẽ diễn ra như thế nào, xin hãy theo dõi các nội dung chúng tôi sẽ gửi tới các bạn trong bài viết tiếp theo, khám phá thế giới sở hữu trí tuệ và những cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể mang lại cho doanh nghiệp của bạn.