1
Bạn c�n h� tr�?

THÁNG 01/2024: DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý THỰC HIỆN CÁC CÔNG VIỆC NHÂN SỰ, KẾ TOÁN GỒM

1. Thông báo tình hình biến động lao động hằng tháng (nếu có) (Căn cứ Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).

Nếu số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp tăng hoặc giảm trong tháng 12/2023 thì doanh nghiệp phải thông báo tình hình biến động lao động cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH trước ngày 03/01/2024 (thứ Tư).

Bên cạnh đó cần lưu ý, nếu doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

2. Báo cáo sử dụng lao động nước ngoài định kỳ hằng năm (Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).

Trước ngày 05/01/2024, doanh nghiệp phải báo cáo năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP) đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thời gian chốt số liệu báo cáo năm 2023 tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023.

3. Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động (Căn cứ Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH).

Trước 10/01/2024, doanh nghiệp phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ năm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH.

4. Báo cáo tổng hợp và công bố tình hình tai nạn lao động

- Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động: (Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP).

Doanh nghiệp gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp trước ngày 10/01/2024 theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.

- Công bố tình hình tai nạn lao động: (Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH).

Doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở năm 2023 cho người lao đọng biết. Thông tin phải được công bố trước ngày 15/01/2024 dựa trên số liệu cả năm.

5. Báo cáo tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước

Theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm 2023 trước ngày 15/01/2024.

6. Khai, nộp thuế giá trị gia tăng (Căn cứ khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).

Doanh nghiệp thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hoặc theo quý sẽ phải khai và nộp thuế giá trị gia tăng như sau:

- Trường hợp khai theo tháng: nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng cho tháng 12/2023 chậm nhất là ngày 20/01/2024 (thứ Bảy)*.

- Trường hợp khai theo quý: nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng cho quý IV/2023 chậm nhất là ngày 31/01/2024 (thứ Tư).

7. Khai, nộp thuế thu nhập cá nhân (Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 1 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 44, khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).

Doanh nghiệp trả thu nhập từ tiền lương, tiền công cho người lao động mà trong tháng 12/2023 (đối với trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng) hoặc trong quý IV/2023 (đối với trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo quý) mà phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) của người lao động thì phải khai và nộp thuế thay cho người lao động như sau:

- Trường hợp khai thuế TNCN theo tháng: hạn chót nộp hồ sơ khai thuế và nộp tiền thuế thu nhập cá nhân tháng 12/2023 là ngày 20/01/2024 (thứ Bảy)*.

- Trường hợp khai thuế TNCN theo quý: hạn chót nộp hồ sơ khai thuế và nộp tiền thuế thu nhập cá nhân quý IV/2022 là vào ngày 31/01/2024 (thứ Tư).

8. Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2023 (Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).

Doanh nghiệp phải tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) cho quý IV/2023 trừ trường hợp:

- Thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài.

- Thuế TNDN kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Số thuế TNDN tạm nộp quý do doanh nghiệp tự xác định (bao gồm cả tạm phân bổ số thuế TNDN cho địa bàn cấp tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, nơi có bất động sản chuyển nhượng khác với nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) và được trừ với số phải nộp theo quyết toán thuế năm, cụ thể như sau:

- Số tiền thuế tạm nộp quý IV/2023: đảm bảo tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

- Thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý IV: chậm nhất là ngày 30/01/2024 (thứ Ba).

9. Khai, nộp lệ phí môn bài (Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 8, khoản 1 Điều 10 và khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

- Doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài một lần cho cả thời gian hoạt động, chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh (trừ trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi).

- Doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài hằng năm. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01/2024 (thứ Ba).

10. Trích nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc (Căn cứ khoản 1 Điều 7, Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023).

Doanh nghiệp (trừ trường hợp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) có trách nhiệm đóng và trích từ tiền lương của người lao động để đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc cho người lao động cho tháng 01/2024 như sau:

- Mức trích đóng bảo hiểm.

- Thời hạn đóng bảo hiểm: chậm nhất là ngày 31/01/2024 (thứ Tư).

- Phương thức đóng:

+ Tiền trích đóng BHXH và BHYT của tất cả người lao động phải được chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

+ Doanh nghiệp đóng BHTN và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN.

11. Trích nộp kinh phí công đoàn (Căn cứ Điều 5 và Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP).

Trích nộp kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, như vậy kinh phí công đoàn tháng 01/2024 sẽ được trích nộp chậm nhất là vào ngày 31/01/2024 (thứ Tư).

- Mức trích đóng kinh phí Công đoàn: bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

* Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.

Ngoài ra, tùy thuộc vào ngành nghề, hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp còn có thể phải thực hiện một số công việc nhân sự, kế toán khác trong tháng 01/2024.

Note:

- Trên đây là nội dung tóm tắt. Nếu Quý khách còn vướng mắc, và có yêu tư vấn chi tiết vui lòng gửi về Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

- Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc.

You are here:

Khách hàng tiêu biểu