Ngày 06/09/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2013/TT-BTC về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Điểm mới đáng chú ý của Thông tư này là những thay đổi trong việc quản lý và sử dụng tiền lệ phí. Cụ thể: Theo quy định hiện hành tại Thông tư 212/2010/TT-BTC ngày 21/12/2010, toàn bộ số tiền lệ phí thu được, sau khi trừ số tiền mua biển số theo mức giá của Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ, số tiền còn lại được trích một phần cho cơ quan công an thực hiện việc thu lệ phí và nộp vào ngân sách Nhà nước; nay, theo Thông tư mới, toàn bộ số tiền lệ phí thu được, cơ quan thu lệ phí nộp vào ngân sách Nhà nước; các khoản chi phí liên quan đến công tác cấp đăng ký xe và thu lệ phí được ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.
Ngoài ra, mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông về cơ bản vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành theo 3 khu vực: Khu vực I gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; khu vực II gồm các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã; khu vực III gồm các khu vực khác ngoài khu vực I và khu vực II.
Trong đó, mức thu lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số đối với xe máy được tính theo giá tính lệ phí trước bạ, dao động từ 500.000 - 4.000.000 đồng đối với khu vực I; từ 200.000 - 800.000 đồng đối với khu vực II; 50.000 đối với khu vực III và xe máy 3 bánh chuyên dùng cho người tàn tật... Đối với xe ô tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, mức thu lệ phí cấp mới là 02 - 20 triệu đồng tại khu vực I; 01 triệu đồng tại khu vực II; 200.000 đồng tại khu vực III…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2013 và thay thế Thông tư số 212/2010/TT-BTC ngày 21/12/2010