Ngày 21/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 8938/BYT-DP về việc hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.
Theo Công văn, đến nay cả nước đã triển khai tiêm hơn 69 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, nhiều người đã được tiêm nhưng còn thiếu, không có hoặc sai thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dẫn đến ảnh hưởng đến việc xác định thông tin về tiêm chủng cho công dân.
Vì vậy, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp thống nhất về việc chia sẻ, xác thực thông tin tiêm vắc xin Covid-19 trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quy trình xác minh thông tin tiêm chủng Covid-19 cho người dân gồm 04 bước như sau:
Bước 1: Điều tra cơ bản trước khi lập kế hoạch tiêm chủng
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn chỉ đạo trạm y tế cấp xã phối hợp với công an, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng... lập danh sách có nhu cầu tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2, gửi công an cấp xã để kiểm tra, xác minh thông tin của người dân.
Ở bước này, đối với cơ sở tiêm chủng tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn người đứng đầu đơn vị triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lập danh sách đối tượng tiêm theo quy định, gửi chính quyền xã, phường, thị trấn trên địa bàn để kiểm tra, xác minh thông tin của người dân.
Bước 2: Đối chiếu thông tin
Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Công an cấp xã tiến hành đối chiếu thông tin của công dân trong dữ liệu dân cư để yêu cầu người dân bổ sung, hoàn chỉnh thông tin, sau đó xác nhận và gửi lại trạm y tế xã, phường để quản lý. Không thực hiện xác minh thông tin đối với trường hợp không phải là công dân Việt Nam.
Trường hợp người trong danh sách chưa có thông tin hoặc có thông tin không chính xác với dữ liệu dân cư, cơ quan Công an cấp xã có trách nhiệm xác minh bổ sung và gửi lại danh sách cho trạm y tế cấp xã. Thời gian gửi lại danh sách đã được xác minh không quá 02 ngày kể từ ngày trạm y tế lập danh sách.
Bước 3: Thực hiện tiêm
Trạm y tế cấp xã/cơ sở tiêm chủng trên cơ sở dữ liệu được xác minh của công an lập kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, ưu tiên lập kế hoạch chung, kết hợp việc cấp Căn cước công dân và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, để tạo thuận lợi cho người dân.
Người đến tiêm phải mang Căn cước công dân hoặc thông báo số định danh cá nhân có mã QR do công an cấp và giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trước đó (nếu có).
Điểm tiêm chủng kiểm tra, đối chiếu các thông tin và cập nhật, bổ sung các thông tin tiêm chủng (nếu có), thực hiện tiêm chủng, nhập thông tin về mũi tiêm mới trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Bước 4: Ký chứng thư số
Sau khi hoàn thiện việc nhập dữ liệu cho đối tượng đã tiêm chủng, Chủ tịch UBND cấp xã ký chứng thư số đối với dữ liệu kết quả tiêm trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Trong thời gian chưa có chứng thư số, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì lập biên bản giữa các bên liên quan xác nhận tính chính xác của dữ liệu kết quả tiêm.
Để triển khai đồng bộ xác minh đầy đủ, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung theo quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nêu trên.
TP. HCM ƯU TIÊN TIÊM TRƯỚC VẮC XIN COVID-19 CHO TRẺ TỪ 16 - 17 TUỔI
Ngày 22/10/2021, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 3522/KH-BCĐ về tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.
Theo Kế hoạch, dự kiến sẽ có 780.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.
Về hình thức tiêm chủng
- Đối với trẻ đi học: tiêm tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch.
- Đối với trẻ không đi học: tiêm tại điểm tiêm cố định hoặc lưu động trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn.
- Đối với trẻ em có bệnh nền: tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi.
- Đối với trẻ em đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi: lập danh sách trẻ từ 12 - 17 tuổi tại thời điểm tiêm chủng (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) để tiêm chủng theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Về thời gian triển khai
- Tiêm mũi 1 trong 05 ngày, dự kiến bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vét trong vòng 02 ngày.
- Tiêm mũi 2 trong 07 ngày, sau khi đối tượng trên đã đủ thời gian khoảng cách giữa 02 mũi theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
Về loại vắc xin sử dụng
- Vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa từ 12 - 17 tuổi.
- Vắc xin được sử dụng 02 liều cơ bản/đối tượng và tiêm chủng cùng loại vắc xin.