Đây là một trong những nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương được nêu tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Theo đó, bên cạnh việc quy định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, Nghị định này còn chỉ rõ, mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Đồng thời, người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức lương phải cao hơn ít nhất 5%; trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện bình thường.
Ngoài ra, cũng tại Nghị định này, Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng thử định mức lao động trước khi ban hành chính thức; phải tiến hành điều chỉnh định mức lao động trong trường hợp mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013 và thay thế Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002. Các quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/05/2013.