Đây là một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ đã đề ra cho các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 10/12/2013 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013.
Tại phiên họp, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các ban, ngành có liên quan tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm; tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh lộ trình xử lý nợ xấu; chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà ở xã hội và cải thiện nhà ở; thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu; xử lý nợ đọng thuế; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm...
Đồng thời, xử lý nghiêm và công khai mọi hành vi trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt thuế; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến trong dịp Tết; theo dõi sát tình hình, hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai...
Chính phủ cũng khẳng định, tổng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đối với cơ quan Nhà nước là 09 ngày, từ 28 tháng Chạp Quý Tỵ đến hết mùng 6 tháng Giêng Giáp Ngọ; các cơ quan có trách nhiệm bố trí trực hợp lý để xử lý công việc trong đợt nghỉ Tết, nhất là các lĩnh vực thường xuyên đòi hỏi giải quyết thủ tục hành chính nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.