Theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/08/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản, khi giải quyết vụ việc phá sản, Thẩm phán phải nghiên cứu, áp dụng án lệ đã được công nhận theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP; đồng thời, cho phép Thẩm phán tham khảo quyết định giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất tương tự với vụ việc đang giải quyết để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết phá sản.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng có quy định hướng dẫn xác định vụ việc phá sản có tính chất phức tạp. Cụ thể, vụ việc phá sản có tính chất phức tạp là vụ việc không thuộc một trong các trường hợp tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản. Đồng thời, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có từ trên 300 lao động hoặc có vốn điều lệ từ trên 100 tỷ đồng hoặc là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định; là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài hay có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật Phá sản.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/09/2016.