Ngày 22/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão, với mức tiền phạt dao động từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về phòng, chống lụt, bão và 100 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và đê điều.
Trong đó, mức phạt tiền từ 200.000 đồng - 300.000 đồng được áp dụng đối với hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ; trồng rau hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi; không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thực hiện sơ tán để đảm bảo an toàn, ứng phó lụt, bão; mức phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng được áp dụng đối với tổ chức có hành vi sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão hoặc xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; phạt tiền lần lượt từ 05 - 10 triệu đồng và 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi chiếm dụng hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lụt, bão và xây dựng công trình làm hư hỏng công trình phòng, chống lụt, bão...
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều và bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Riêng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão xảy ra trước ngày 08/12/2013 mà sau đó mới bị phát hiện nhưng vẫn còn thời hiệu xử phạt hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/12/2013.