Tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 18/09/2013 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một số định hướng, mục tiêu quan trọng đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể.
Trong đó, với nhóm sản phẩm hóa dược, phấn đấu đến năm 2020, đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và quản lý nhằm đáp ứng về cơ bản nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược; đồng thời, xây dựng mới một số nhà máy như: Nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp công suất 150 - 200 tấn/năm; nhà máy sản xuất hóa dược vô cơ và tá dược thông thường công suất 200 - 400 tấn/năm; nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ I công suất 600 tấn/năm; nhà máy sản xuất một số thuốc thiết yếu khác (thuốc giảm sốt, thuốc giảm đau kháng viêm, thuốc kháng khuẩn) công suất 1.000 tấn/năm...
Đối với nhóm sản phẩm cao su, Quy hoạch tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; đầu tư mở rộng sản xuất cao su kỹ thuật tại các nhà máy hiện có và xây dựng mới các nhà máy sản xuất có băng tải 700.000 m2 và dây cua roa bố thép, sợi thép 01 triệu m/năm; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than đen công suất 115.000 tấn/năm dùng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm cao su…
Riêng với nhóm hóa chất bảo vệ thực vật, Quy hoạch đẩy mạnh sản xuất và gia công các hóa chất bảo vệ thực vật, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước vào năm 2020; đến năm 2030, áp dụng công nghệ sản xuất, gia công tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm dễ sử dụng, thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy…
Bên cạnh các mục tiêu cụ thể nêu trên, Thủ tướng cũng đề ra mục tiêu chung cho toàn ngành công nghiệp hóa chất là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14% - 16%, tỷ trọng của ngành so với toàn ngành công nghiệp đạt 14% vào năm 2020 và 15% vào năm 2030…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.