Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/8/2023.
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 61/2023/NĐ-CP quy định, hương ước, quy ước bị bãi bỏ toàn bộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Có nội dung trái với quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư (quy định mới).
(2) Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định nhưng đã hết thời hạn phải hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để được công nhận quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không hoàn tất các thủ tục này.
(3) Không bảo đảm tỷ lệ thông qua theo quy định mà cộng đồng dân cư không thực hiện lại việc thông qua để bảo đảm tỷ lệ theo quy định.
Trong khi đó, hương ước, quy ước sẽ bị bãi bỏ một phần khi bị tạm ngừng thực hiện một phần do có nội dung không phù hợp với mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhưng đã hết thời hạn phải sửa đổi, bổ sung, thay thế mà cộng đồng dân cư không thực hiện.
Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định bãi bỏ toàn bộ hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Quyết định bãi bỏ hương ước, quy ước sau khi được Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành phải gửi đến Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến cộng đồng dân cư và đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Quy định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/8/2023.