Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 25/04/2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ).
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính quy định nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ là doanh nghiệp phải trích khấu hao toàn bộ TSCĐ hiện có trừ những tài sản sau: TSCĐ đã khấu hao hết giá trị sử dụng, hoặc khấu hao chưa hết nhưng bị mất; TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính); TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại; TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài...
Trong đó, TSCĐ là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn sau: Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên. Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng quy định chi tiết về phương pháp xác định thời gian trích khấu hao TSCĐ; trong đó, đối với TSCĐ hữu hình còn mới, doanh nghiệp phải căn cứ vào khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này để xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định, với TSCĐ hữu hình đã qua sử dụng phải căn cứ vào giá trị thực tế và thời gian đã sử dụng của tài sản; đối với TSCĐ vô hình, doanh nghiệp tự xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2013 và áp dụng từ năm tài chính 2013