Ngày 28/06/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 89/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính điều chỉnh quy định về dự phòng tổn thất đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, đối tượng của các khoản đầu tư tài chính dài hạn là các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ. Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp chỉ được thực hiện trích lập dự phòng khi tổng số vốn đầu tư thực tế của chủ sở hữu cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được đầu tư.
Ngoài ra, các quy định về xử lý khoản dự phòng vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, tại thời điểm lập dự phòng nếu các khoản vốn đầu tư vào tổ chức kinh tế bị tổn thất do tổ chức kinh tế bị lỗ thì phải trích lập dự phòng tổn thất các đầu tư tài chính; nếu số dự phòng tổn thất đầu tư tài chính phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng thì doanh nghiệp không phải trích lập khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính; nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp trích thêm vào chi phí tài chính của doanh nghiệp phần chênh lệch; nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch ghi giảm chi phí tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/07/2013.