Đây là một trong những mục tiêu đối với ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 được đề ra tại Thông tư số 84/2014/TT-BTC ngày 27/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2015.
Trên cơ sở mục tiêu huy động vào NSNN năm 2015 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP; dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất) và dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân khoảng 14 - 16% và 6 - 8% so với năm 2014, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 để xây dựng dự toán NSNN năm 2015 sát với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện hành...
Các địa phương khi xây dựng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2015, ngoài việc phải đảm bảo các yêu cầu nêu trên, còn phải tổng hợp toàn bộ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn (bao gồm cả số thu ngân sách ở xã, phường, thị trấn); dự toán thu phải đảm bảo tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo các quy định của pháp luật. Đối với dự toán thu từ các hoạt động xuất khẩu, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần phân tích, dự kiến các ảnh hưởng đối với thu NSNN do tác động về giá, tỷ giá, tăng, giảm lượng hàng xuất khẩu...Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quán triệt vốn đầu tư từ NSNN cần được tập trung bố trí để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội quan trọng quốc gia; nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; hỗ trợ ngư dân phát triển đánh bắt và các dịch vụ trên biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; các nhiệm vụ giảm nghèo, tạo việc làm... Đặc biệt, không bố trí vốn bổ sung có mục tiêu từ nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn vốn; các dự án phê duyệt quyết định đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/08/2014.