Đây là mục tiêu của Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/05/2013.
Mục tiêu Đề án này chỉ rõ, đến năm 2020, xóa mù chữ cho 1,2 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 60, nâng cao tỷ lệ biết chữ đạt 98%, trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 94%; xóa mù chữ cho 300.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%. Đồng thời, tạo điều kiện cho 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ; phấn đấu 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng đã đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể, trong đó đáng chú ý là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ. Cụ thể như: Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên dạy xóa mù chữ cho người khuyết tật; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ cho người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia dạy xóa mù chữ… Bên cạnh đó, nhằm củng cố kết quả chống mù chữ và hạn chế tái mù chữ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… tại các trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường hoạt động của các thư viện xã; tổ chức mô hình thư viện di động; tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho người mới biết chữ…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.